Các fan cuồng của chú mèo máy Doraemon trên khắp thế giới sẽ có cơ hội thâm nhập vào nhà, chụp hình chung, bước qua cánh cửa thần kì... và thỏa sức khám phá tất tần tật về thần tượng tại Bảo tàng Doraemon.
Bảo tàng đặt tại thành phố Kawasaki (Nhật Bản), nơi họa sĩ Hiroshi đã từng sống, làm việc và qua đời tại đây (từ 1961-1996), mang tên Bảo tàng Fujiko F Fujio, "cha đẻ" của mèo máy Doraemon. Fujiko F. Fujio là bút danh của Hiroshi Fujimoto và Moto Abiko, người đã hợp tác với ông trong suốt 36 năm.
Bảo tàng gồm 3 tầng, trưng bày khoảng 50.000 vật dụng, gồm nhiều bản vẽ nguyên bản, bàn làm việc và nhiều dụng cụ khác đã được họa sĩ Hiroshi sử dụng cho tới khi ông qua đời vào năm 1996. Đến với bảo tàng, khách tham quan còn được gặp các nhân vật nổi tiếng trong tập truyện này như Nobita, Xuka, Chaien, Xêkô, qua những tạo hình rất dễ thương trong khuôn viên rộng 3.700m2 của bảo tàng. Trong bảo tàng cũng có một nhà hát nhỏ và một quán cà phê.
Bà Masako Fujimoto - vợ của họa sĩ Hiroshi - cho biết: "Doraemon là những gì mà Hiroshi đã bỏ tâm và sức cả đời mình trong sự nghiệp sáng tác. Tôi thật sự rất xúc động khi những thành quả lao động của chồng tôi được nhìn nhận và trân trọng một cách xứng đáng".
Một phụ nữ 29 tuổi, sung sướng khi là một trong những du khách trong ngày khai mạc, cho biết: "Tôi đã yêu Doraemon kể từ khi tôi còn là học sinh tiểu học", Cô nói thêm: "Tôi đã khóc rất nhiều vì những đau khổ, mất mát trong trận động đất 11/3, nhưng hôm nay tôi khóc cho niềm vui.”
Doraemon không chỉ là bạn, mà còn là một phần quá khứ của không ít người. Đối với những người hâm mộ, đây là cơ hội để họ hồi tưởng về chú mèo ú đáng yêu đến từ tương lai, người luôn luôn giúp đỡ Nobita - chú bé hậu đậu, với những bửu bối thần kì tuyệt diệu hay trải nghiệm thế giới bí ẩn của Fujio.
Truyện tranh Doraemon đã được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ và phổ biến ở nhiều quốc gia. Chính từ những câu chuyện đời thường và những phép màu hàm chứa ước mơ cháy bỏng của con người về một cuộc sống tốt đẹp mà năm 2008, bộ truyện đã được Bộ Văn hóa Nhật Bản chọn làm "biểu tượng hoạt họa" đầu tiên vào năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét